Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Chuyển đổi số tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy liên kết vùng
Ngày cập nhật 09/01/2024

 Thừa Thiên Huế nhiều năm qua luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về chỉ số Chuyển đổi số (DTI) – năm 2022 giữ vị trí số 4 trong đó Chính quyền số đứng vị trí thứ 2. Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Quản trị và khai thác dữ liệu số

Tỉnh Thừa Thiên Huế ngoài điểm sáng là xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh với tiêu chí lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, ngay từ năm 2018, Thừa Thiên Huế đã quan tâm đến việc xây dựng, khai thác dữ liệu và đưa vào vận hành Hệ thống dữ liệu mở của tỉnh nhằm mục tiêu thu thập, chia sẻ các bộ dữ liệu, kết nối liên thông với các hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông với Cổng dữ liệu Quốc gia; hướng đến sự minh bạch và phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hệ thống này được xây dựng và vận hành trước cả thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Đến nay, đã có 115 bộ dữ liệu của 32 cơ quan, đơn vị công bố trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh thuộc các lĩnh vực như: Văn hoá, Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải...

Các đại biểu tham quan các gian hàng công nghệ số tại Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2023

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, có thể khẳng định rằng, với việc quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn dữ liệu đã đem lại cho tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều lợi ích thiết thực: người dân, doanh nghiệp được tiếp cận một cách dễ dàng hơn với các nguồn thông tin như bản đồ địa chính, bản đồ quy hoạch, dữ liệu sức khoẻ cá nhân, thông tin thời tiết.... thông qua ứng dụng di động Hue-S; các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiết kiệm thời gian hơn khi tìm kiếm thông tin về chỉ số kinh tế – xã hội; hệ thống di sản, văn hoá được số hóa đã giúp việc lưu trữ được tiến hành một cách khoa học hơn đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác trùng tu, tôn tạo và đem lại những sản phẩm du lịch mới, trải nghiệm mới cho du khách bốn phương.

“Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó công nghệ thông tin, chuyển đổi số được xác định là giải pháp đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng kinh để chia sẻ nguồn lực, tận dụng lợi thế của mỗi địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Tháng 1/2022, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 trong đó nhấn mạnh phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị. Tháng 11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030.

Có thể thấy, hiện trạng của Liên kết phát triển các vùng kinh tế nói chung, và miền Trung nói riêng còn lỏng lẻo chưa tận dụng, khai thác được lợi thế của từng địa phương. Vùng kinh tế miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế hợp tác phát triển. Tuy nhiên, việc liên kết, phát triển hiện gặp nhiều khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Tham quan, trải nghiệm các gian hàng công nghệ số tại Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2023

Kiến tạo dữ liệu số - thúc đẩy liên kết vùng

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Thể chế Vùng trong giai đoạn phát triển vừa quan căn bản chưa thành công, vì 03 lý do: Vùng thiếu động lực, thiếu quyền lực để hành động độc lập; Thiếu nguồn lực vận hành và nguồn lực bảo đảm liên kết, phối hợp; Thể chế điều hành Vùng chưa phù hợp, kém hiệu lực, không hiệu quả. Các vùng kinh tế cần có cách tiếp cận liên kết mới dựa trên nền tảng số, liên kết số, kỹ thuật số, công nghệ cao.

Các chuyên gia cho rằng, Dữ liệu số cần phải đóng vai trò tiên phong trong việc liên kết, liên thông, đóng vai trò làm công cụ, làm nền tảng cho việc thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác liên kết và phát triển, đặc biệt: giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, kinh tế số, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logistics, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa chia sẻ, tỉnh Thừa Thiên Huế cần nhanh chóng xây dựng chiến lược về dữ liệu địa phương kết hợp trí tuệ nhân tạo; áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động điều hành, phục vụ người dân đồng thời xây dựng hạ tầng tính toán đáp ứng xử lý hệ thống dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới. Đặc biệt, nhằm thúc đẩy liên kết vùng, Thừa Thiên Huế có thể lựa chọn các địa phương lân cận để xây dựng dữ liệu giao thông hoặc y tế giúp người dân các địa phương này dễ dàng tiếp cận các dịch vụ trong quá trình làm việc.

Theo Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa, vùng kinh tế miền trung có 02 hạt nhân luôn dẫn đầu trong công tác chuyển đổi số cả nước, và đang tiên phong trong kiến tạo dữ liệu số của địa phương là Huế và Đà Nẵng. Vì vậy, hưởng ứng năm dữ liệu số Quốc gia của Bộ thông tin và Truyền thông, Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2023 lấy chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số – thúc đẩy liên kết vùng”, hướng tới mục tiêu kêu gọi sự chung tay của các địa phương từ các cấp lãnh đạo cao nhất, đến lãnh đạo các sở ngành, và doanh nghiệp.

Tại phiên tọa đàm trong Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2023

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, hoạt động của Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2023 giúp người dân được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; chính quyền địa phương được tiếp thu những ý kiến từ các chuyên gia để điều chỉnh những giải pháp chuyển đổi số trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để tỉnh thu hút thêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư dựa trên những kết quả chuyển đổi số đã đạt được.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, để thực hiện được chuyển đổi số hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính người dân, doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

 

https://thuathienhue.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 68.601
Truy cập hiện tại 1.013