Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hội thảo “Định hướng xây dựng Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế”
Ngày cập nhật 28/11/2022

Chiều ngày 27/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng xây dựng Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế”. Tham dự hội thảo có Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; UVTV Tỉnh Ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Tại hội thảo
Tại hội thảo

Khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có để xây dựng Khu Công nghệ cao

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, Thừa Thiên Huế đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế, văn hóa Huế với đặc trưng là thành phố văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Trong đó, nhiệm vụ “hình thành khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao và các tổ chức nghiên cứu đủ sức giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ của vùng và quốc gia; trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ” đặc biệt được nhấn mạnh.

Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng Đề án Khu Công nghệ cao, việc xây dựng Đề án cũng gắn với việc xây dựng quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung Đô thị Thừa Thiên Huế. Qua Hội thảo này, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp thu ý kiến các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành có liên quan trong việc xác định vị trí Khu Công nghệ cao trong Quy hoạch tỉnh đồng thời tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Đề án Khu Công nghệ cao trước khi gửi Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh cũng mong được sự tham gia thảo luận của các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm trong phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao, trong đầu tư phát triển các lĩnh vực trong Khu công nghệ cao…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu khai mạc Hội thảo

Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Hồ Thắng cho biết, Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng Đề án Khu Công nghệ cao, việc xây dựng Đề án cũng gắn với việc xây dựng quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung Đô thị Thừa Thiên Huế. Theo Đề án, vị trí Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế nằm ở xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc), tổng diện tích là 1.081 hecta, nằm trên tuyến cao tốc đi qua khu vực miền Trung có vị trí thuận lợi về giao thông và liên kết chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có trình độ cao như Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Là một trong 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với những đặc thù, lợi thế riêng, Thừa Thiên Huế đang tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh vốn có để xây dựng Khu Công nghệ caoĐịnh hướng Khu Công nghệ cao của Thừa Thiên Huế là khai thác nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trên địa bàn Thừa Thiên Huế, đây là đối tượng nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm CNC đặc thù; Khai thác kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ tiềm năng của các trường đại học có truyền thống tại Thừa Thiên Huế, tập trung việc nghiên cứu và đào tạo vào các đối tượng đã được lựa chọn trên địa bàn Thừa Thiên Huế, nhằm tạo ra các sản phẩm CNC đặc thù có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; trước mắt, từ nay đến năm 2030 tạo ra các sản phẩm CNC thuộc các lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, ứng dụng CNC trong y dược.

Xác định mục tiêu cụ thể

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện phát triển kinh tế Việt Nam cho rằng, trong thời đại công nghệ số, đề án cần tiếp cận theo phương pháp mới với các cơ chế mới, cách vận hành cũng phải thay đổi.

Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Đầu tiên phải  khảo cứu một cách nghiêm túc kinh nghiệm phát triển các Khu CNC trong và ngoài nước, làm rõ được điểm xuất phát của mình ở đâu, điều kiện hiện tại như thế nào. Cần tạo được hệ sinh thái theo hướng đổi mới sáng tạo gồm: Chính quyền nhà nước với chính sách thân thiện, doanh nhân khởi nghiệp với  định hướng sáng tạo công nghệ cao, có trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, phải thu hút sự tham gia của các quỹ đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao và cách quản trị khu công nghệ cao phù hợp”.

Đồng quan điểm, bà Phí Thị Hồng Linh (Khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường đại học Kinh tế quốc dân) nói: Nguồn nhân lực, các tổ chức KHCN, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo…là những yếu tố không thể thiếu khi nhắc đến CNC.

Bà Linh đánh giá, trên địa bàn tỉnh đang thiếu những tổ chức KHCN ngoài công lập nên cần cơ chế khuyến khích. Ngoài ra, các tổ chức KHCN chỉ tập trung nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng mà chưa có dịch vụ KHCN nên ảnh hưởng đến chuyển giao KHCN, sẽ tạo khó khăn trong việc phát triển khu CNC cao tại tỉnh.

Ông Trần Văn Ty, Phó Trưởng ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng, khi nhắc đến Khu CNC, ông cho rằng, đây là nơi tập trung của 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp nên cần xem xét cụ thể. Ngoài ra, đề án dẫn chứng các mô hình Khu CNC trong và ngoài nước thì cần phân tích các mô hình đó phương thức hoạt động như thế nào, kinh nghiệm của họ ra sao.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu ý kiến

Phát biểu đóng góp và gợi mở, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đề nghị xem xét tính khả thi của đề án và mục tiêu xây dựng khu CNC của tỉnh để làm gì. Sau khi dẫn chứng những khu CNC điển hình trên thế giới, Thứ trưởng Bộ KH&CN đề nghị Đề án này cần có định hướng phát triển KHCN và lộ trình xây dựng khu CNC cụ thể.

Qua các ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh luôn quyết tâm tăng hàm lượng KHCN, biến KHCN trở thành động lực để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bởi KHCN tác động lớn đến các ngành, lĩnh vực. “Chúng tôi xác định, trong giai đoạn hiện nay phải nhìn nhận thực tế, xây dựng đề án phải phù hợp với tình hình của tỉnh hiện tại. Thời gian tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại đề án, trình các bộ, ngành để xin ý kiến”.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 68.601
Truy cập hiện tại 165